Tuyên truyền Luật BVMT 2020

Qua 5 tháng triển khai Luật BVMT 2020 (Phần 1)

14:41, 09/06/2022
sfgs

Luật BVMT 2020 gắn liền với quy chế dân chủ ở cơ sở
Luật BVMT 2020 quy định đầy đủ, chi tiết, cụ thể về vai trò, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư cũng như của mỗi gia đình, mỗi người dân trong công tác BVMT. Lần đầu tiên Luật BVMT 2020 khẳng định vị trí, vai trò các quyền của cộng đồng dân cư khi họ bị tác động xấu về môi trường bởi các tổ chức, doanh nghiệp, dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp.

Thực tế nhiều năm qua, những khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề... đã gây ô nhiễm nghiêm trọng trong cộng đồng dân cư, bức tử nhiều sông, hồ, ao, đất và không khí,… Nhưng chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư không có thẩm quyền xử lý, phải chịu đựng hết năm này sang năm khác. Người dân ở cơ sở hoàn toàn không được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Luật BVMT 2020 đã mở rộng quyền của người dân, được cung cấp thông tin, tìm hiểu thực tế, đối thoại, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp... xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường (Điều 159, Điều 160). Những quy định này gắn liền với Quy chế dân chủ ở cơ sở, mở ra cho cộng đồng dân cư nhiều quyền, trách nhiệm hơn trong các vấn đề về môi trường. Đồng thời, cũng quy định rõ trách nhiệm, giải pháp của mỗi chủ thể trong các tình huống, tranh chấp, xung đột môi trường xảy ra ở cộng đồng.

Luật BVMT 2020 đã hàm chứa đầy đủ, toàn diện những nội dung liên quan đến công tác BVMT ở cộng đồng dân cư. Nhưng phương châm dân chủ ở cơ sở của Đảng mới đang trong quá trình hoàn thiện, rất cần xúc tiến xây dựng hệ thống các văn bản Luật hoặc pháp lệnh để đồng bộ với Luật BVMT năm 2020.

Luật BVMT 2020 nêu rõ tránh nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo ông Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học môi trường Tổng cục Môi trường, trách nhiệm Bồi thường thiệt hại (BTTH) môi trường là nội dung mới trong Luật. Theo đó, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại với môi trường có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và chi phí thực hiện thủ tục BTTH. Tổ chức, cá nhân có quyền chứng minh không gây thiệt hại về môi trường và khi kết quả chứng minh là đúng thì không phải BTTH về môi trường và các chi phí liên quan khác.

Đối với trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên gây thiệt hại về môi trường, trách nhiệm BTTH được xác định dựa trên tỷ lệ tương ứng gây thiệt hại trong tổng thiệt hại về môi trường. Trường hợp các bên liên quan hoặc cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không xác định được tỷ lệ chịu trách nhiệm thì cơ quan trọng tài hoặc tòa án có thẩm quyền quyết định.

Các cơ quan quản lý nhà nước (UBND cấp xã, UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh và Bộ TN&MT) có trách nhiệm tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường làm căn cứ để BTTH. Trên thực tế, nhiều năm qua việc thu thập dữ liệu, chứng cứ, chứng minh sự suy giảm chức năng, suy thoái môi trường là việc rất phức tạp, tốn kém và nằm ngoài khả năng của người dân. Những vụ án về môi trường trước đây, các đơn vị gây ô nhiễm thường thách thức người dân chứng minh mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường mà họ gây ra, khiến người dân gần như bất lực.

Theo Luật 2022, diện tích, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại; mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài, là căn cứ để xác định mức độ ô nhiễm môi trường. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm hướng dẫn cách tính thiệt hại hoặc cho phép họ tham gia chứng kiến việc xác định thiệt hại.

Luật BVMT năm 2020, BTTH về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể lựa chọn giải quyết thông qua 3 hình thức sau đây: hòa giải; giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Việc quy định mới các hình thức giải quyết BTTH về môi trường tạo ra những thuận lợi trong thực tế giữa các bên liên quan.

Về chi phí BTTH môi trường, Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể hơn và bổ sung thêm chi phí về xác định thiệt hại: chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; chi phí xử lý, cải tạo môi trường, chi phí giảm thiểu, triệt tiêu nguồn gây thiệt hại hoặc tổ chức ứng phó sự cố môi trường, chi phí này đã trở thành một trong 4 nhóm chi phí được sử dụng làm căn cứ để bồi thường và giải quyết BTTH về môi trường.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường