Tin tức - Sự kiện

Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam 2022

09:56, 12/06/2022
Sáng 12/6, tại Phú Yên, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Phú Yên đã tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tới dự, chỉ đạo và điều hành Diễn đàn.

Tham dự hội nghị, về phía các Ban, Bộ, ngành Trung ương có Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Lê Hải Bình; Phó trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng; Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi; lãnh đạo các Bộ: Văn hoá Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông vận tải; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam…

Về phía lãnh đạo các địa phương có sự tham dự của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh; Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh; lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  có biển.

Về phía tỉnh Phú Yên, tham dự và phát biểu khai mạc có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh Phú Yên…

Hội nghị còn có sự tham dự của Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga.

Diễn đàn nhằm đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, kinh tế biển chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thế kỷ của “Biển và Đại Dương”. Đồng thời, đây cũng chính là khu vực sẽ chứng kiến nhiều sự cạnh tranh, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có sự tiếp cận phù hợp, kịp thời để có thể khai thác lợi thế này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

z3485959517709 af524b24b0678a5e6581ee0b258f379e
Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu chào mừng Hội nghị
 

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045 “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.”

“Nghị quyết là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển như tỉnh Phú Yên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, kinh tế biển cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương, cho cả nước.” – Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Đại Dương cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế biển ở các địa phương vẫn còn những hạn chế. Từ những hạn chế này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững của từng địa phương, của cả nước, và trực tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của các khu vực ven biển.

z3485959533940 727cb47087e0d5d7b03d70917efc111b
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết:

"Quá trình triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt... Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt..."

Đồng chí Nguyễn Tuấn An đã đánh giá về những hạn chế về phát triển kinh tế biển trong những năm qua: " Tuy nhiên, quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học- công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu; môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững...

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh đã đề nghị các đại biểu tại Diễn đàn thảo luận tập trung vào các khía cạnh:

Thứ nhất, Tập trung đánh giá, làm rõ việc tuyên truyền, quán triệt, ban hành các chương trình/kế hoạch thực hiện Nghị quyết; việc thế chế hóa các chủ trương của Đảng trong Nghị quyết.

Thứ hai, tập trung đánh giá, làm rõ kết quả thực hiện các mục tiêu về: Các tiêu chí tổng hợp về kinh tế biển, về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ ba, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó có 6 ngành kinh tế biển chủ đạo là: Du lịch  và dịch vụ biển; Hinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngàn kinh tế biển mới.

Thứ tư, phân tích những thuận lợi, hnj chế, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại Nghị quyết, đặc biệt là các nhiệm vụ về: Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thải ven biển; Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; Chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Thứ năm, kiến nghị, đề xuất với Trung ương những giải pháp thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW trong thời gian tới.


Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:
z3485959529425 70c7af3fdd7cad2bb075c462f3f5ab74
Đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu

"Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế phát triển chung toàn cầu.
 Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các Ban, Bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào ba (03) khâu đột phá nêu trong Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, (thể chế; khoa học - công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ tầng) tạo xung lực cho kinh tế biển Việt Nam."

Tại Diễn đàn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện, cụ thể như sau:

Một là, kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới: như điện gió ngoài khơi, nuôi biển xa bờ; tăng cường điều tra cơ bản tập trung thăm dò, tìm kiếm các loại khoáng sản, kim loại chiến lược.

Hai là, khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Ba là, đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển, phát triển hệ thống giao thông hàng hải các-bon thấp và bền vững, các cảng thông minh và thích ứng với khí hậu cũng như các cơ sở hạ tầng biển và ven biển khác, quy hoạch sử dụng đất đô thị, công nghiệp, vùng bờ và biển để phát triển kinh tế bền vững. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động du lịch dựa vào bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái biển và ven biển. 

Bốn là, khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực; thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển, bao gồm năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, nhiệt và năng lượng mặt trời, nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam. [Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. Trong đó, khu vực ven biển cực Nam Trung Bộ có mật độ năng lượng khoảng 400-600W/m2. Ngoài ra trên khu vực vịnh Bắc Bộ cũng có mật độ năng lượng đạt 300-400W/m2.

Năm là, tăng cường hợp tác về quản lý, giám sát và giải quyết ô nhiễm môi trường các vùng biển; giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên đất liền cũng như ô nhiễm từ tàu và ngư cụ thải bỏ; thúc đẩy bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và rạn san hô biển phù hợp với xu thế quốc tế; 

Sáu là, tích cực tham gia các sáng kiến, hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, cũng như tham gia hiệu quả vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường biển và khí hậu, để tận dụng các cơ hội từ xu thế thời đại về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Diễn đàn sẽ có 15 báo cáo tham luận từ các Bộ, ngành, địa phương: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tả, Bộ Văn hóa Thể thảo và Du lịch; tham luận của các Tỉnh ủy: Phú Yên, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Kiên Giang; tham luận của Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga...

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:
z3485959547236 9bfff65ea42feeeff9a9e44cecfa7563
z3485959522118 7c0cc06e47ce52d02e95a78bac23de0b
z3485959513130 1f499364808bd05f6ce505079ff0eb82

Thực hiện Trung tâm Truyền thông TNMT